Tuesday, March 20, 2012

Nghe kể chuyện vượt biển, vượt biên






[Ðọc sách "Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông, Tuyển tập I" của nhiều tác giả. 483 trang. Xuất bản năm 2003]

Tác giả Bùi Văn Phú từng làm việc tại các trại tị nạn Ðông Nam Á trong thập niên 1980.

Trong bài đầu tiên của loạt bài viết cho BBC nhân 30 năm kết thúc chiến tranh, tác giả chiêm nghiệm về thân phận của những thuyền nhân Việt Nam.

Ba mươi năm sau cuộc chiến, cả triệu người Việt đã bỏ nước ra đi, từ đợt di tản tháng 4 năm 1975, rồi chuyện vượt biên, chuyện đoàn tụ gia đình (O.D.P.), con lai, tù cải tạo (H.O.), đến diện thuyền nhân hồi hương (R.O.V.R.) sau này, tất cả đều trải qua nhiều lo sợ bất định không biết giấc mơ được rời khỏi Việt Nam có sẽ suông sẻ hay không. Chỉ khi đã đến được nơi định cư thì hành trình đó mới coi như kết thúc.


Con đường vượt biên, kéo dài hai thập niên sau 1975, có đông người ra đi nhất và cũng là con đường gian nan nhất. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước lượng một phần ba số người vượt biển, khoảng vài trăm nghìn, đã không đến được bến bờ.

Qua nhiều chuyện kể trong "Hành Trình Biển Ðông", những người rời Việt Nam ra đi tìm tự do bằng đường biển, đường bộ, hay bằng cả hai cách, đều biết rõ trong quyết định ra đi của mình thì may mắn sống còn chỉ có một phần ba.

Câu nói: "Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá" được người vượt biển suy ngẫm trước khi ra đi và chỉ biết cầu xin Trời Phật cho số mệnh được bình yên.

<><> <><> <><> <><>



Xác một con tàu vượt biển, năm 1987, còn trên bãi biển đảo Pulau Bidong, Malaysia mà theo kể lại trên 300 người vượt biên trên tàu đã chết. (ảnh Bùi Văn Phú)


Xác một con tàu vượt biển, năm 1987, còn trên bãi biển đảo Pulau Bidong, Malaysia



Rất nhiều trong số 46 chuyện kể là hoàn cảnh khốn cùng của những tàu vượt biển gặp nạn: lạc đường, chết khát, bị hải tặc cướp, hãm hiếp, có khi cả chục lần.

Câu chuyện của một con tàu ra đi từ vùng Cái Sắn, Rạch Giá vào tháng Ba năm 1977 có lẽ hãi hùng hơn cả. Tàu bị hải tặc cướp, hãm hiếp.

Khi bị tấn công lần thứ nhì, đám thanh niên nhất quyết chống lại và 62 thuyền nhân đã bị chúng giết, chỉ còn một người sống sót vì bị những xác chết khác đè lên.

Cảnh người thuyền nhân duy nhất giữa đống xác người đầy máu tựa như cảnh phóng viên Cam Bốt Dith Pran lội bùn giữa những cánh đồng chết chóc đầy xương và sọ người trên đường trốn chạy bàn tay Khờ Me Ðỏ trong phim "Killing Field", hay cảnh phi công Mỹ rớt máy bay, trên đường trốn thoát đã đi lạc vào một vũng lầy ngổn ngang xác người ở Bosnia-Kosovo trong phim "Behind Enemy Lines".

Có những con thuyền lạc đường, cạn thức ăn, nước uống nên người đã phải ăn thịt người để sống, mẹ phải cắt vú mình lấy máu cho con bú kẻo không đứa bé chết khát. Nhiều người đã chết vì đói khát, người thoi thóp sống lo thủy táng người chết và chỉ còn biết cầu xin người đã chết phù hộ. Có khi những điều khấn xin được đáp lại bằng những cơn mưa hoặc được tàu lớn cứu vớt.

Tháng Bảy năm 1979 có một tàu vượt biển bị bão đánh vỡ ra từng mảng, 350 người chỉ còn 14 sống sót và đã có một hài nhi ra đời giữa lòng biển khơi trong khi người mẹ, tuổi chừng 30, đang bám víu lấy mạng sống trên một chiếc bè trôi nổi mà người đỡ đẻ lại là một nam học sinh ở tuổi 17.

Câu chuyện vượt biển này tưởng như kết thúc ở bến bờ tự do, nhưng 14 người sống sót lại được tàu đánh cá của Việt Nam vớt, đưa trở về điểm khởi hành. Không biết số mạng của đứa bé trai sinh giữa lòng biển khơi giờ đây ra sao? Còn sống, năm nay em đã 26 tuổi.

<><> <><> <><> <><>



Bia tưởng niệm những người đã chết trên đường vượt biên dựng trong nghĩa trang trại tị nạn Galang, Indonesia, 1986. (ảnh Bùi Văn Phú)


Bia tưởng niệm những người đã chết trên đường vượt biên dựng trong nghĩa trang trại tị nạn Galang, Indonesia
Trên biển có khi tưởng như tìm được sinh lộ thì lại đi vào cõi chết. Như chuyện của anh Sáu Hoàng, cựu sĩ quan hải quân.

Sau nhiều ngày mất phương hướng vì tàu hỏng máy, thấy một bình nhựa trôi trên biển nên anh nhảy xuống vớt với hy vọng tìm được nhãn hiệu hay một dấu chỉ nào để biết tàu đang trôi dạt nơi đâu, có gần bờ bến không.

Dưới nước anh Hoàng nắm được bình, nhưng con tàu bỗng trôi nhanh khiến anh bơi đuổi không kịp. Nhiều người trên tàu ném hết mọi thứ có thể nổi để anh bám vào, nhưng chẳng cứu anh được. Con tàu hỏng máy đã bỏ anh lại.

Trong một chuyện kể khác, cũng là trường hợp tàu hư, lạc đường vào năm 198.

Sau nhiều ngày đói khát, tàu trôi dạt đến gần một đảo hoang, bốn thanh niên nhảy xuống bơi vào tìm xem có sự sống, thức ăn hay không. Khi họ bơi trở ra thì con tàu lại cứ trôi xa đảo, bỏ lại bốn thanh niên.

May mắn thoát hiểm nguy trên biển, đến được đất liền nhưng cũng chẳng có cơ hội định cư. Ðó là câu chuyện về chị Nguyệt một mình đến được trại, ở lâu vì không có diện định cư nên phải bán mình nuôi thân, nuôi gia đình còn ở Việt Nam. Chị mua hương bán phấn với lính Thái, mang thai, xấu hổ quá chị tự tử.

Cuộc sống trong trại tị nạn chỉ tạm bợ nhưng cũng nhiều buồn vui. Một thiếu nữ được tàu Mỹ vớt, chăm lo mọi thứ từ đồ ăn thức uống, quần áo được giặt bằng máy nên cô lạc mất chiếc nịt ngực. Khi chuyển vào trại, ra đường không có nịt ngực, thường bị nhiều chàng thanh niên dòm ngó, chọc ghẹo khiến cô luôn e thẹn và cảm thấy sự thiếu vắng một vật đã thường mang trên người như là mất mát, thiếu thốn một cái gì thân thương lắm.

Khi làn sóng người vượt biển lên cao, chính phủ các nước Ðông Nam Á có lệnh không cho ngư dân của họ cứu vớt thuyền nhân. Nhiều tàu bè quốc tế cũng đã làm ngơ trước tín hiệu SOS của thuyền gặp nạn. Nhưng không phải tất cả thuyền trưởng đều quay mặt đi.

Có những câu chuyện thuyền trưởng tàu Phi Luật Tân, tàu Nhật, tàu Mỹ vì lương tâm đã cứu vớt nhiều người vượt biển được kể lại. Ngay cả khi hải tặc Thái Lan tạo kinh hoàng cũng có những ngư dân Thái cứu người vượt biển, đem họ vào bến bờ bình an.

Có người thương binh một chân, là cựu đai úy trong quân đội Thái, đã nhỏ nước mắt khi nhìn thấy một em bé Việt Nam chỉ còn da bọc xương trên tay người mẹ đang đi tìm sữa. Ông đã cho bà 20 đồng baht để bà ra chợ mua sữa cho đứa bé.

Hai thập niên trước, thảm trạng của thuyền nhân đã được ghi lại trong tập tài liệu Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan do nhà văn Nhật Tiến và ký giả Dương Phục kể.

Hai mươi năm sau, những câu chuyện đi tìm tự do được kể lại trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông" bởi nhiều nhân chứng. Ðây không phải là một tác phẩm văn chương mà là một chứng liệu lịch sử.

Nhiều trong số 46 bài viết là tự truyện của những tác giả không phải là người cầm bút chuyên nghiệp hay có tài năng văn chương. Họ kể lại bằng lối văn mộc mạc, chân thành. Ðó là những câu chuyện có thực, rất thực.


Trong thế kỷ vừa qua thế giới đã chứng kiến nhiều vụ giết người tập thể: lò hơi ngạt giết người Do Thái trong các trại tập trung; Khờ Me Ðỏ tàn sát người Cam Bốt; dân bộ lạc ở Rwanda, Châu Phi giết nhau; diệt chủng ở Bosnia-Kosovo. Ở những nơi này ngày nay còn nhiều chứng tích để lại như một nhắc nhở cho nhân loại.

Nhưng hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình, thân xác họ chìm sâu trong lòng biển cả. Còn chăng là một số hình ảnh của Cao Ủy Tị Nạn ghi lại những xác người, màu đỏ đen, da dính vào xương, nằm phơi trên đồi san hô giữa biển cả.

"Hành Trình Biển Ðông" chỉ là một phần nhỏ của thảm trạng thuyền nhân vì còn nhiều những con tàu khác đã chìm sâu trong lòng đại dương mang theo tất cả, không để lại dấu vết, không còn ai sống sót mà kể lại.

Ngoài chuyện kể, giờ cũng cần có một bảo tàng viện để lưu lại chứng tích của một giai đoạn gian nan của những người vượt biên.

.....................................................................

Đăng Trần, Orange County
Bản thân tôi là thuyền-nhân và được tàu Cap Anamour (51/703) vớt & được đem tới trại tỵ nạn Palawan, Philippines (October 1981). Lúc bấy giờ, tôi chỉ được hơn 15 tuổi và có tên trong danh sách “nghĩa vụ quân sự/lao động” (vì là thành phần co cha, chú là sĩ-quan VNCH).

Như bao mọi người Mẹ VN khác, Mẹ tôi đã đau xót, cắn răng đưa nấm-ruột của Bà đi tìm Tự-Do. Ôi, đau đớn thay cho câu “ca-dao” thời bâ’y giờ: "Một là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá". Mặc dầu đã gần 25 năm qua, những kỷ niệm hãi hùng về những ngày vượt biển vẫn còn ám ảnh trong tâm khãm (kết quả là cho đến nay, tôi sợ nước và từ chối tất cả những chuyến đi “cruise” do gia-đình và bè bạn tổ chức).

Tôi cũng đã bật khóc khi đọc lại cuốn tự truyện “Hành Trình Biển Ðông” của nhiều nhân chứng. Trong đó có một tác giả đã kể lại sự hy-sinh của người em gái (trong lúc đắm tàu) để cho cô được sống, để rồi cuối cùng chính bản thân cô phải trả giá cho sự sống này. Có chua xót nào hơn nỗi chua xót này. Cám ơn Ngụy Vũ, người đã có công gom góp và ấn bản tập sách này để cho thế giới và thế hệ con em chúng ta hiểu và trân quí hai chữ Tự Do.

Trần Minh
Tôi đã đọc và nghe các cuộc hành trình vượt biển. Những chuyện thật khủng khiếp. Thật là tội nghiệp. Tôi nghe kể có những đứa bé sau khi trải qua sự khủng khiếp bị hải tặc nó câm luôn cả tuần không thốt ra một lời nào.

Trên đường đi khi chưa ra biển bị bể mánh chạy tán loạn gặp mấy tên dẫn đường rừng cầm những cây mã tấu sáng quắc lăm lăm đe doạ kẻ nào không có tiền đưa thì ở lại trong rừng còn người nào có tiền đưa cho chúng chúng mới dẫn đường quay trở về không thì cũng bỏ xác nơi rừng sâu núi thẳm.

Thế nhưng xét cho kỹ kẻ phải ở lại không phải là họ không can đảm không khao khát tự do mà là vì những lý do khác. Ví dụ như không có vàng thì làm sao vượt biên? Không yêu ai đó thì làm sao mà nhắm mắt lấy để được ai đó trả tiền cho đi.? Và kẻ ở lại để đối đầu với cuộc sống ngoi lên từ những nhẫn nhục đau khổ cũng là những người vô cùng can đảm.

Rất tiếc tôi không có thì giờ để viết tiếp câu truyện của tôi, nơi ấy tôi sẽ nói lên thân phận của những con người như thế!

Nguyễn Nhân, Texas
Tôi là thuyền nhân đến trại Palawan, Bataan Phi luật tân. Tôi đã trải qua, tai nghe, mắt thấy những cảnh tượng hãi hùng đó. Tôi cũng đã từng đấu tranh, vận động chống hồi hương thuyền nhân. Khi đọc những dòng trên, tôi đã mũi lòng, rỡn tóc gáy và nhớ lại cuộc hành trình 25 năm trước như in trong tâm khảm cứ như là mới xảy ra hôm qua.

Tâm Đức, Đức
Tôi rất cảm thông với các vị thuyền nhân, ai đã trải qua thân phận của những thuyền nhân mới cảm thông được.

1 comment:

  1. Cuộc vượt biễn cuả người VN bất giác tôi mường tuong như cuộc trở về nơi nguồn cội cũa đàn cá hồi dù biết nhiều bất trắc và sẽ chết trên đường đi không về đến đích nhưng chúng vẫn lao về phía trước chấp nhận hy sinh,chỉ khác ở chổ người dân Việt thì bỏ cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn để tìm về chân trời xa lạ nhưng nơi ấy có hai chữ TỰ DO

    ReplyDelete