<><> > | |
Báo Die Zeit bốc 275 thuyền nhân Việt Nam đưa về
Hamburg
(Gabriele Venzky)
Không nơi nào trên thế giới muốn nhận người tỵ nạn. Kể cả
nước Đức. 7 triệu người bị trục xuất khỏi quê hương vào lúc kết thúc đại chiến
thế giới thứ II, gần 6 triệu người trốn khỏi Đông Đức. Không đâu phải đương đầu
với làn sóng tỵ nạn ào ạt hơn ở Đức . Nhưng cả những đồng hương tỵ nạn cũng chỉ
được đón nhận rất miễn cưỡng. Thế rồi năm 1979 đã xẩy ra biến cố có một không
hai trong lịch sử nước Đức. Giữa lúc các chính trị gia của chúng ta còn chần chừ
và nại lý do số người tỵ nạn đã vượt chỉ tiêu, các trung tâm tiếp cư đầy ắp, thì
người dân đã ra tay. Họ quyết định cứu giúp những người ngoại quốc xa lạ. Những
người bị hất hủi khắp nơi lại được đón tiếp niềm nở với vòng tay mở rộng và được
tận tình giúp đỡ như chưa từng thấy. Đó là câu truyện thuyền nhân tỵ nạn Việt
Nam và báo Die Zeit đóng vai trò không nhỏ trong vụ này. Đó là câu truyện về
những con người với nụ cười bắn trúng tim chúng ta.
Câu truyện bắt đầu vào năm 1978. Cuộc chiến Việt Nam đã
kết thúc ba năm trước đó. Hình ảnh những người cố níu càng những trực thăng Mỹ
cuối cùng rời Sài Gòn hãy còn rõ như in trong ký ức, sau đó là đợt người tỵ nạn
cuống cuồng chạy loạn. Bây giờ câu truyện tái diễn: từng đoàn người như dòng
nước cuồn cuộn không thôi đang cố thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển. Trên
những chiếc tầu cỏn con, quá tải, họ lao mình vào cõi vô định, không bản đồ,
không hải bàn, nếu may mắn thì kết cục dạt vào những bãi biển vùng Đông Nam Á
hay táp vào bờ đá Hồng Kông. Nhiều người không gặp may như thế. Họ bị hãm hiếp,
bị đập chết, bị quăng xuống biển, bị đắm tầu. Một nửa số người tỵ nạn rơi vào
tay hải tặc Thái. Một phần ba, khoảng 500.000 người, thiệt mạng giữa đường.
Cả những chiếc tầu rỉ nước cũng bị lôi ra
biển
Tôi còn nhớ tấm hình treo ở hành lang nhà trường khi tôi
còn nhỏ. Đó là hình con tầu cọc cạch mang tên Exodus, lúc nhúc người trên sàn,
trên 4.500 người sống sót cuộc diệt chủng tìm tới miền đất Palestina, nhưng họ
không được phép cập bến. Ngày nay , sau một phần tư thế kỷ, tôi lại thấy những
tấm hình như thế trên bàn viết. Những khuôn mặt ngơ ngác lần này là người Việt
Nam. Lúc đó tôi là ký giả phụ trách vùng Đông Nam Á cho báo Die Zeit. Vì thế
những mẩu tin sốt dẻo về số người ty nạn tăng vọt khủng khiếp cứ dồn dập được
chuyển tới tôi.
Tuần này qua tuần khác tập tài liệu tôi ôm tới phòng họp
cứ dầy thêm. Cuối năm 1978 có tới 62.000 người chen lấn trong những trại tỵ nạn
vùng Đông Nam Á và không thấy dấu hiệu cho biết hiện tượng này sẽ chấm dứt. Nhóm
ký giả chuyên về lãnh vực chính trị vội vã họp lại. Chẳng lẽ không lên tiếng
thức tỉnh thế giới? Thế là chúng tôi tung ra từng loạt bài, tới năm 1979 trao
tay độc giả cả xấp hồ sơ. Lúc đó chúng tôi tính từng ngày: một ngàn người, hai
ngàn, bốn ngàn, và đó mới chỉ là những người táp được vào bờ. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên
Hiệp Quốc bó tay trước làn sóng tỵ nạn. Những quốc gia vùng Đông Nam Á cũng thế.
Những chiếc tầu rỉ nước cũng bị lôi ra khơi, làm mồi cho hải tặc. Chắc chắn
không thoát lưỡi hái tử thần. Giữa lúc đó các chính trị gia Tây phương cứ bình
tọa bàn cãi, cò cưa với những chương trình viển vông. Có nên mua một hòn đảo và
đổ thuyền nhân lên đó không? Biết đâu họ sẽ tạo nên một Singapore thứ hai! Dần
dà người ta nhận ra ý đồ của cộng sản Việt Nam: hiển nhiên họ muốn tống khứ hết
người Hoa, một triệu rưởi người!
Một hôm tầu Hải Hồng xuất hiện trên màn ảnh. Kể từ con
tầu Exodus thế giới không thấy cảnh tượng nào như thế: một chiếc tầu chở hàng,
đúng ra là con tầu phế thải, người lúc nhúc trên sàn không chừa một khoảng
trống, 2.500 con bệnh, đói, khát, không quốc gia nào đón nhận, trôi dạt không
biết tới bến bờ nào. Hải Hồng trở thành biểu tượng của đại hoạ. Với một nắm Mỹ
kim những nghiệp đoàn Hồng Kông đã mua con tầu này cũng như nhiều tầu khác, rồi
„bí mật“, thực ra là dưới cặp mắt cú vọ của quan chức Việt Nam, họ dồn lên tầu
những người Hoa muốn ra đi. Chỉ nguyên với tầu Hải Hồng họ đã nhét túi 10 triệu
Mỹ kim. Thấy bở, nhà cầm quyền Việt Nam đứng ra độc quyền món thầu, họ xử dụng
những chiếc tầu tí teo, ọp ẹp. Từ 10 tới 20 lượng vàng cho mỗi đầu người (một
lượng tương đương 37 gram), một gia đình đông người phải bỏ ra mấy kí lô vàng.
Hầu như toàn thể lớp trung lưu Việt Nam bị trấn lột trước khi bị đưa ra biển phó
mặc cho số mạng.
Những kẻ sống sót không được ai đón nhận. Đối với bọn
người trước kia từng gào Hồ-Hồ-Hồ Chí Minh, thì sự việc rõ như ban ngày: ai có
nhiều vàng để chạy chỗ ra đi, chỉ có thể là kẻ ăn bám chiến tranh đế quốc Mỹ,
hoặc chủ chứa điếm hay tên hút máu đồng bào (Trong thời chiến tranh Việt
Nam, từng đoàn người, nhất là bọn trí thức, sinh viên nông nổi ở các quốc gia
Tây phương thường tổ chức biểu tình phản đổi đủ thứ, nhất là chống Mỹ và ủng hộ
cộng sản Việt Nam. Khi tuần hành họ trưng hình Mao Trạch Đông, Che Guevara và Hồ
Chí Minh, miệng gào thét: Hồ-Hồ-Hồ Chí Minh! Chú thích của người dịch, chứng
nhân tại chỗ). Đối với Đông Đức, nơi công nhân Việt Nam phải lao động cực
nhọc, vì Hà Nội không có tiền hoàn trả những khoản trợ cấp hữu ghị, thì không có
vấn đề người tỵ nạn (các nước xã hội chủ nghĩa cung cấp vũ khí, lương thực
và hàng hoá để yểm trợ cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến. Những trợ cấp này
không phải là quà tặng, nhưng là món nợ khổng lồ phải thanh toán sau chiến
tranh. Cộng sản Việt Nam gửi người qua đông Âu lao động trả nợ! Chú thích của
người dịch). Các chính trị gia Tây phương lươn lẹo đi tới kết luận giống
nhau, bằng cách lặp lại lý luận của các quốc gia Đông Nam Á: ai có khả năng mua
chỗ ra đi, bị ghép vào hạng nhập cư trái phép. Bởi thế họ không được hưởng qui
chế tỵ nạn. Mãi tới khi ông Ernst Albrecht, thống đốc tiểu bang Niedersachsen,
trắc ẩn trước hình ảnh thê thảm của tầu Hải Hồng, sẵn sàng nhận 1.000 thuyền
nhân tỵ nạn, lúc đó chính phủ liên bang mới tuyên bố „sau này“ sẽ nhận thêm 900
người. Trong khi đó 40.000 thuyền nhân tỵ nạn đang chen chúc chỉ nguyên trên đảo
Pulau Bidong. Sau tầu Hải Hồng, hòn đảo này đã trở thành biểu tượng thứ hai của
thảm hoạ. Đó là một sườn dốc chênh vênh giữa biển, cách bờ Mã Lai 15 hải lý,
hoang vắng vì không có nước. Thế mà giờ đây 40.000 người dồn ép nhau trên một
khoảng rộng một cây số vuông. Tháng 6.1979, các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố sẽ
không nhận thêm bất cứ người tỵ nạn nào khác, nếu các quốc gia kỹ nghệ Tây
phương không bốc đi 300.000 thuyền nhân đang tá túc tại Đông Nam Á. Trong tháng
đó Mã Lai lôi ra khơi 54.000 người trên các chiếc tầu mong manh và dự tính đẩy
thêm 76.000 thuyền nhân đã cập bến ra đại dương. Từng ngàn người chết đuối vì
tầu bị sóng vùi chỉ 50 thước cách bãi biển và không ai tiếp cứu họ.
Lời kêu gọi của chúng tôi được hưởng ứng nồng
nhiệt vượt dự đoán
Giữa lúc đó Josef Joffe, ông bạn đồng nghiệp ở báo Die
Zeit, mang về từ Pulau Bidong những hình ảnh hãi hùng. Tựa đề Chỗ dậm chân
trong hỏa ngục cho bài phóng sự quả thực không quá lời. Tới lúc đó các tiểu
bang vẫn còn do dự. Ai phải chi trả các phí tổn? 60.000 người hồi cư từ các quốc
gia Đông Âu và 33.000 người thuộc diện tỵ nạn chính trị đã là gánh nặng quá đủ
rồi. Ở toà soạn Die Zeit chúng tôi bàn thảo suốt mấy ngày để tìm cách làm cho
chính phủ liên bang đổi ý và ra tay cứu trợ quảng đại. Chúng tôi nhận ra rằng,
cứ ngồi mà viết thì chẳng nên cơm cháo gì. Bà Marion Dönhoff, chủ nhiệm tờ Die
Zeit, quyết định: „Đã đến lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta phải bốc người
từ Bidong“. Bà thảo lời kêu gọi làm chủ đề đăng trên trang nhất (Số 31, ngày
27.7.1979. Chú thích của người dịch). Sự hưởng ứng rộn lên vượt sức tưởng
tưởng. Chỉ trong khoảng thời gian vắn đã nhận được trên hai triệu Mã Đức. Nhà kỹ
nghệ Kurt A. Körber gửi một nửa triệu, hai bé gái khui hộp tiết kiệm được 5 Mã,
một nhà tù dành cho phái nữ tặng tem trị giá 30 Mã.
Báo Die Zeit liên lạc với chính quyền thành phố Hamburg.
Chúng tôi yêu cầu họ nhận người và lo phần hội nhập, chúng tôi lãnh phần chi phí
ban đầu và chuyên chở thuyền nhân tới Hamburg. Thế là đèn xanh bật lên cho 250
thuyền nhân tỵ nạn. Ngày 2.8. 1979 Margrit Gerste, bà bạn đồng nghiệp, Holmer
Pabel, nhiếp ảnh gia tên tuổi trên chiến trường Việt Nam, hai nhân viên Hồng
Thập Tự với trách nhiệm chọn người, và tôi cùng lên đường tới hoả ngục Pulau
Bidong. Mùi hôi thối ngột ngạt, vì chỉ có 4 cầu tiêu, nhung nhúc người chen lấn
nhau đến ngộp thở, cái nóng nung người và thấp thoáng sau những sườn tầu của
người tỵ nạn là đoàn tầu có gắn đại bác của Mã Lai.
Ba giờ trên tầu tới đảo, ba giờ để trở về, chỉ còn hai
giờ trên đảo, vì không người nước ngoài nào được tá túc qua đêm. Làm thế nào cho
xong việc với thời giờ eo hẹp như vậy? Chúng tôi có ý định lựa lấy những trường
hợp không có hy vọng, những kẻ không ai muốn nhận: gia đình đông người, trẻ em
không người đi kèm, những người không biết tiếng Âu Mỹ, những người không có
thân nhân ở ngoại quốc, những người già và người bệnh. Holmer Pabel và tôi quyết
định lẩn vào đám đông và ở lại âm thầm quan sát tổ chức tự phát rất chu đáo.
Không bao giờ tôi quên được những ngày trên đảo tử thần này.
Người tỵ nạn cố tạo dễ dãi cho chúng tôi, họ chia sẻ với
chúng tôi phần ăn thiếu thốn của họ. Chúng tôi khám phá ra nhiều gia đình không
được ghi đủ mặt trong sổ của chúng tôi. Vì thế khi rời đảo vào ngày 7.8., trực
chỉ trại tiếp cư, chúng tôi mang theo 274, chứ không phải chỉ 250 người. Ông
Orwin Runde, người sau này sẽ là thị trưởng, lúc đó có trách nhiệm giao tiếp với
chúng tôi ở Hamburg, cũng đồng ý với con số thặng dư này.
Ngày 13.8.1979, khi tầu Cap Anamur ra khơi vớt người ở
biển Đông, thì máy bay chở những người tỵ nạn thứ nhất của chúng tôi cất cánh
rời Kuala Lumpur, hai ngày sau đó một nhóm 274 người khác, thêm một em bé chào
đời trên đường vượt biên, đã được cứu thoát. Nhưng có một điều còn quan trọng
hơn thế nữa: chúng tôi đã phá đổ bức tường cản. Chính phủ liên bang quyết định
nhận thêm thuyền nhân tỵ nạn. 40.000 người từ Việt Nam, đa số gốc Hoa, đã tìm
được quê hương thứ hai trên nước Đức. Thời đó có kẻ bi quan cằn nhằn: „50 năm
nữa bọn đó cũng không hội nhập được“. Một lầm lẫn lớn! Suốt 30 năm qua họ cần cù
và âm thầm làm việc để vươn lên, ngày nay hầu hết họ có nhà riêng hay phòng ốc
riêng, trợ cấp xã hội là một từ gở đối với họ. Họ rèn con cái tới khi chúng về
khoe điểm nhất, điểm nhì, tỷ lệ tốt nghiệp trung học của con em Việt Nam cao hơn
của học sinh Đức. Các em hồi đó còn thơ dại, nhất là các em thuộc thế hệ tiếp
nối, ngày nay xử dụng tiếng Đức lưu loát. Câu truyện thuyền nhân tỵ nạn là câu
truyện của thành công.
Chúng tôi đang ngồi trong căn nhà của Van Si An, một
triệu phú ở Sài Gòn thời xưa. Ôn Van sống bằng nghề lái xe buýt tại Hamburg. Ba
người con của ông đều tốt nghiệp đại học. Hai người là dược sĩ, người con thứ ba
tốt nghiệp ngành thương mại, bốn đứa cháu nô đùa trong căn phòng. Gia đình ông
Van dấn thân trong các công tác thiện nguyện, cậu con trai Van Huy Tam tham gia
tích cực trong lãnh vực chính trị cộng đồng và dùng giờ nghỉ để giúp giải quyết
khó khăn hội nhập ở trường học. „Chúng tôi muốn đền đáp những gì chúng tôi đã
nhận được“. Ngồi cùng bàn còn có ông Gerhard Katsch, ngoại bát tuần. 30 năm
trước ông giúp gia đình họ Van thích nghi với quê hương mới, ngày nay gia đình
nhà Van đáp trả, khi ông cần tới họ.
Chúng tôi còn giữ liên lạc với những người tỵ nạn của
chúng tôi, có những người đã thành bạn thân. Trong nhà tôi treo một bức trướng
với nét chữ như phượng múa rồng bay do một người tỵ nạn phóng bút tặng. Hàng chữ
nổi bật, có liên quan tới câu truyện thuyền nhân tỵ nạn: „ Họ đã tạo cho chúng
tôi cơ may sống sót. Ghi ơn báo Die Zeit“.
Đôi lời giới thiệu bà Gabriele Venzky
Chính bà cũng từng là người tỵ nạn. Năm 1945, lúc sắp
ngưng tiếng súng, gia đình bà từ miền tây xứ Phổ và từ Berlin đã trôi dạt về
Oldenburg „với hai bàn tay trắng“. Lúc đó cô bé sinh năm 1939 không có giầy dép
gì, nên được quân đội Anh cho một đôi giầy gỗ. Lớn lên bà học ngành sử chuyên về
Đông Âu, văn hoá Slave và Hán học, được mời dậy ở đại học Stanford, viết cho báo
Stuttgarter Zeitung, từ 1967 giữ chân ký giả báo Frankfurter Allgemeine Zeitung
và từ 1971 viết cho báo Die Zeit.
Cảnh cơ cực của thuyền nhân tỵ nạn biến bàn tay cầm bút
thành bàn tay hành động. Gabriele không coi đó là cuộc giằng co vai trò. „Cảnh
cơ cực của thuyền nhân tỵ nạn vượt quá sức chịu đựng của chúng tôi“. Là ký giả
bà mới chỉ quan sát những biến cố ở Phi châu hay Á châu. Nay bà dấn thân nhập
cuộc. “Phải làm cho bằng được. Chúng tôi muốn tranh đấu phá đổ bức tường cản
việc nhận người tỵ nạn. Và chúng tôi đã thành công“.
Trần Hoành
Dịch theo nguyên văn trên báo Die Zeit, số 34, ra
ngày 13.8.2009, với sự đồng ý của tác giả và toà soạn.
No comments:
Post a Comment